Những nghiên cứu học thuật về nhóm bệnh da do ký sinh trùng – côn trùng

Trong nghiên cứu lâm sàng da liễu, các chuyên gia đã phát hiện ra nhiều loại ký sinh trùng – côn trùng. Nhiều bệnh nhân đến khám với triệu chứng khó chịu và cảm giác tê tê, châm chích trên vùng da mặt, kèm theo cả vùng nang lông, chân tóc và tuyến bã nhờ trên vùng cổ, gáy hay chân tóc. Nếu không chẩn đoán và xét nghiệm kỹ sẽ dẫn đến chỉ định tràn lan vô số xét nghiệm không cần thiết, dẫn đến điều trị bao vây

I. Bệnh ghẻ (Scabies)

1.1 Khái niệm và nguyên nhân

Là một bệnh da khá phổ biến, thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp. Với đặc trưng dễ thấy, bệnh ghẻ có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn màn

Ký sinh trùng ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei hominis. Chúng có hình bầu dục, 8 chân, lưng có gai xiên về phía sau, đầu có vòi hút thức ăn đồng thời để đào hầm ở. Mỗi ngày ghẻ cái đẻ 1 – 5 trứng, sau 3 – 7 ngày trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng lột xác nhiều lần thành ghẻ trưởng thành

1.2 Triệu chứng

Người mắc bệnh ghẻ xuất hiện mụn nước trên nền da lành, rải rác, riêng rẽ, thường ở vùng da mỏng như ở kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước hay gặp ở lòng bàn tay, chân. Thông thường người bị ghẻ sẽ bị ngứa ngáy rất nhiều, nhất là về đêm

Đặc biệt, ghẻ Na Uy là một biến thể gặp ở người bị suy giảm miễn dịch. Thương tổn là các lớp vảy chồng lên nhau và lan tỏa toàn thân, có thể tìm thấy hàng nghìn cái ghẻ trong các lớp vảy

Bệnh ghẻ thường bị nhầm với tổ đỉa, sẩn ngứa, viêm da cơ địa hay nấm da. Do đó, người bệnh cần thăm khám để soi tìm ký sinh trùng tại vùng tổn thương cho chính xác

Bệnh ghẻ dễ lây lan qua sinh hoạt hằng ngày

1.3 Điều trị

Bôi tại chỗ các loại thuốc như Gamma benzen, Permethrin, Benzoat benzyl, Diethylphtala. Trường hợp bị ghẻ bội nhiễm dùng milian hoặc castellani. Không may gặp phải ghẻ Na Uy thì cần kết hợp ngâm, tắm sau đó bôi mỡ salivyle để bong sừng rồi bôi thuốc diệt ghẻ

Nếu bệnh trở nặng và biến chứng thì kết hợp thuốc bôi và uống kháng sinh histamin tổng hợp, iverectin…Lưu ý chống chỉ định uống cho trẻ dưới 5 tuổi hoặc phụ nữ có thai

II. Bệnh lang ben (pitytiasis versicolor) 

2.1 Khái niệm và nguyên nhân

Lang ben là bệnh da rất phổ biến, ở một số vùng nhiệt đới có tới 30 – 40% dân số đã từng bị. Khí hậu ấm vả ẩm là điều kiện cho nấm phát triển. Bệnh hay gặp ở tuổi thiếu niên và người trẻ. Nhất là người có mồ hôi quá nhiều, bị suy giảm miễn dịch, dinh dưỡng kém, mang thai và sử dụng corticosteroid…

Lang ben do nấm thuộc nhóm Malassezia gây nên. Hiện nay đã xác định và phân loại được 12 chủng ưa mỡ Malassezia khác nhau. Trong đó có 8 chủng hay gây bệnh cho người như M.sympodialis, M.globosa, M.restricta,M. slooffiae, M. furfur, M. obtusa và mới được phân lập là M. dermatis, M. japonica , M. yamotoensis, M. nana , M. caprae và M. equina.

2.2 Triệu chứng

Lang ben là những nốt có dát hình tròn hay hình bầu dục, trên có vảy da mỏng, thường gặp nhất là màu nâu (tăng sắc tố) và nâu vàng (giảm sắc tố); thỉnh thoảng có hiện tượng viêm nhẹ (màu hồng). Bệnh nhân mắc lang ben có thể ngứa nhẹ, nhất là khi thời tiết nóng bức

Lang ben là chứng bệnh da liễu rất quen thuộc

2.3 Điều trị

Người bệnh có thể bôi thuốc chống nấm tại chỗ như ketoconazol hoặc selenium sulfid có hiệu quả. Điều trị 2 lần/tuần trong 2 đến 4 tuần. Để thuốc trong 10 – 15 phút rồi rửa

Các thuốc khác như nhóm azol, allylamin dạng kem và dung dịch, glycol propylen, nystatin, axit salicylic

Ngoài ra, còn có cách điều trị bằng thuốc kháng sinh đường toàn thân như ketoconazol, Itraconazol, Fluconazom với liều lượng hợp lý. Tuy nhiên, lưu ý loại thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là cho gan, thận. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc cần được xét nghiệm trước khi chỉ định và theo dõi kỹ trong quá trình điều trị

III. Bệnh da do nấm sợi (dermatophytosis)

3.1 Khái niệm và nguyên nhân

Bệnh da do nấm sợi rất thường gặp, nhất là ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, rất thuận lợi cho các chủng nấm phát triển. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường gây ngứa ngáy nhiều. Nếu không được điều trị thích hợp, thương tổn nấm có thể lan tỏa, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Có 3 loài nấm sợi thường gặp gây bệnh ở người: Tricchophyton, Epidermophyton, Microsporum. Các chủng nấm sợi có thể lây nhiễm từ đất, động vật hoặc từ người bệnh. Chúng cần có keratin để phát triển, do vậy không thể gây bệnh ở niêm mạc da

Người bệnh bị nhiễm nấm sợi do điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, sống tập thể, ngủ và dùng chung quần áo. Mặt khác, khí hậu nóng ẩm, ra nhiều mồ hôi làm thay đổi pH của da. Đồng thời bản thân người bệnh bị rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch, dùng kháng sinh lâu ngày và dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng tạo điều kiện khiến nấm sợi tấn công. Biến chứng chủ yếu của nấm da là bội nhiễm và chàm hóa do người bệnh gãi nhiều hoặc vệ sinh không tốt

3.2 Triệu chứng

Nơi nào trên cơ thể có chất keratin thì đều có khả năng bị nấm da ký sinh và gây bệnh

3.2.1 Nấm ở bàn chân

Nấm ở bàn chân sẽ có triệu chứng bong vảy, có thể bong từng đám hoặc lan tràn toàn bộ lòng bàn chân. Thường ở 1 bên sau lan sang 2 bên, ngứa ít. Hoặc người bệnh bị ở kẽ ngón, móng hoặc xuất hiện mụn nước nằm sâu dưới da, khó vỡ. Làm cho người mắc bệnh ngứa nhiều và đau

3.2.2 Nấm bẹn

Tổn thương là những chấm đỏ, có vảy nhỏ, dần lan ra thành mảng hình tròn hoặc bầu dục, bề mặt hơi đỏ, có nhiều mụn nước và vảy da. Các mảng liên kết với nhau thành mảng lớn hình cung, giữa nhạt màu. Bệnh nhân bị ngứa nhiều, rất khó chịu

Tuy không ảnh hưởng sức khỏe nhưng gây ngứa ngáy khó chịu

3.2.3 Nấm vùng mặt 

Triệu chứng thường là rát đỏ, kích thước từ 1 – 5cm, bờ hơi nổi cao đôi khi không rõ, bong vảy và ngứa

3.2.3 Nấm thân mình

Người bệnh sẽ nổi nhiều mụn nước, thành đám hình tròn hay hình nhiều cung. Tổn thương có xu hướng lành giữa, lan ra xung quanh, ngứa nhiều. Nhiễm nấm có thể khu trú hay lan tỏa toàn thân tùy thuộc vào đặc điểm vi nấm hay vật chủ

3.2.4 Nấm vùng râu

HÌnh thái này hiếm gặp, thường ở nông dân tiếp xúc với súc vật. Sợi râu gãy và bong vảy hoặc da trên bề mặt viêm tấy, sợi râu rụng hoặc không có, mủ chảy ra qua lỗ chân râu

3.3 Điều trị

Chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc với các nguồn lây như chó, mèo. Ngoài ra, người bệnh tránh tắm xà phòng và dùng các thuốc chống nấm (Ciclopiroxolamin, ketoconazol, Terbinafin, Clotrimazol) bôi ngày 1 – 2 lần, kéo dài ít nhất từ 3 – 4 tuần

Bên cạnh đó, khi thương tổn lan rộng hoặc dai dẳng bôi lâu không khỏi, nên kiểm tra chức năng gan trước và trong quá trình điều trị. Liều lượng và thời gian uống thuốc tùy thuộc từng vị trí bị nấm sợi tấn công

IV.  Một số bệnh da liễu do ký sinh trùng và côn trùng cắn thường gặp khác

4.1 Nấm móng

Nấm móng thường do chủng trichophyton gây nên. Bệnh xuất hiện ở bờ tự do của móng hay ở hai bên cạnh của móng. Khi bị bệnh, móng sẽ mất màu bóng, bị đẩy nhô lên hoặc khuyết vào, mặt móng lỗ chỗ hoặc thành rãnh, dưới rãnh có chất bột vụn. Móng của người bệnh càng ngày càng bị sần sùi, màu vàng hoặc đục. Bệnh có thể lây từ móng này sang móng khác.

Ngoài nấm trichophyton còn có nấm móng do nấm Candida albicans gây tổn thương bên trong góc móng, móng mọc ra bị lồi lõm, da vùng góc móng cũng bị tổn thương sưng đỏ và đôi khi bị mưng mủ.

4.2 Nấm tóc

Nấm tóc là tình trạng viêm, gây thương tổn tóc, nang tóc, da đầu và vùng da xung quanh. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ mà hiếm gặp hơn ở người lớn. Ngoài ra, nấm tóc có rộng khắp trên thế giới, tập trung nhiều ở nông thôn.

Nấm tóc rất phổ biến ở người trưởng thành

4.2.1 Người bệnh Piedra đen

Triệu chứng của bệnh thường là xuất hiện nốt màu nâu hoặc đen dọc theo thân tóc. Nhiễm nấm thường bắt đầu dưới lớp biểu bì của sợi tóc và lan rộng ra ngoài. Tóc vỡ có thể xảy ra do vỡ nốt tại thân tóc. Khi các nốt lớn, chúng có thể bọc trọn thân tóc

4.2.2 Người bệnh Piedra trắng

Nấm bắt đầu bên dưới lớp biểu bì và phát triển thông qua thân tóc gây suy yếu và gẫy tóc. Đồng thời xuất hiện các nốt mềm, ít dính, màu trắng hoặc đỏ

Với cả 2 chủng nấm trên, người bệnh có thể điều trị bằng cách nhổ tóc. Đồng thời gội đầu bằng thuốc chống nấm đặc trị

4.2.3 Nấm đầu (Tinea capitis)

Nấm dermatophytes xâm nhập và hình thành bệnh dưới dạng: nội sợi, ngoại sợi và nặng nhất là Favus. Triệu chứng bệnh ban đầu có thể nhẹ ở mức xuất hiện gàu, rụng tóc, viêm da đầu từ ít đến nặng, có thể biến chứng lên dạng nấm kerion. Một số trường hợp có thể gây rụng tóc vĩnh viễn hoặc sẹo. Đặc biệt, nấm có thể xâm nhập sâu và có thể gây nhiễm nấm huyết hoặc nội tạng

4.3 Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng

Bệnh là một phản ứng cấp tính của da với các chất kích ứng từ côn trùng. Viêm da tiếp xúc do Paedeerus (kiến ba khoang) là loại thường gặp nhất. Ở nước ta, bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa bão, thời điểm sinh trưởng tốt của côn trùng. Bệnh không nguy hiểm nhưng do dễ nhầm lẫn triệu chứng khiến người bệnh lo lắng.

Tại vị trí côn trùng đốt ban đầu chỉ có một vài đám da đỏ, dài như bị cào xước. Mặc dù hơi phù nề nhưng kích thước khá nhỏ. Sau vài giờ hoặc vài ngày xuất hiện mụn nước, bọng nước giữa vết đỏ. Nếu bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cảm thấy rát nhưng khi trở nặng thậm chí có thể trợt loét hay hoại tử

Bệnh viêm da tiếp xúc rất dễ nhầm lẫn

Ðể hạn chế tình trạng viêm dị ứng, người bệnh được khuyên nên rửa sạch vùng da tiếp xúc côn trùng với nước và xà phòng; tạm sử dụng các thuốc bôi sát khuẩn ngoài da như milian, eosine; nếu ngứa nhiều có thể dùng thêm cezil, chlorpheniramine.

Có thể thấy, nhóm bệnh da liễu do nhiễm nấm và côn trùng cắn tuy không quá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hoặc tính mạng, nhưng đa phần có tính lây lan và dễ tái phát. Mặt khác, các chứng bệnh này lại gây mặc cảm tự ti cho người mắc bệnh. Do đó, bạn nên lưu ý biểu hiện để có cách phòng tránh, chữa trị kịp thời và hợp lý

Nguồn: Tài liệu của Bộ Y Tế tuyên truyền năm 2018

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *