Nghiên cứu & thực nghiệm từ Bộ Y Tế – Bệnh da liễu do nhiễm khuẩn

Thông qua nhiều nghiên cứu và thực nghiệm, tài liệu “hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu” do Bộ Y Tế ban hành rộng rãi trên các phương tiện thông tin xã hội, chúng ta có hơn 10 nhóm bệnh da liễu. Và các bệnh da liễu do nhiễm khuẩn được xem là những dạng phổ biến và rất thường gặp. Vậy nhóm này bao gồm các biểu hiện bệnh nào? Có nguy hiểm không và cách điều trị hiệu quả như thế nào? Bài viết sau sẽ đề cập những nội dung trên để giúp bạn có cách nhìn tổng quan

Các bệnh da liễu do nhiễm khuẩn thường gặp

I. Bệnh chốc (Impetigo)

1.1 Khái niệm và nguyên nhân

Chốc là một bệnh nhiễm khuẩn da rất phổ biến, đặc trưng bởi các thương tổn cơ bản là bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hóa mủ, dập vỡ đóng vảy tiết. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các đối tượng nhưng hay gặp nhất là ở trẻ nhỏ. Khi thương tổn loét sâu được gọi là chốc loét (ecthyma)

Vào thời tiết nóng ẩm, mùa hè, kèm theo đó là điều kiện vệ sinh kém, nhất là khi bệnh nhân có sẵn các loại bệnh da liễu khác như chấy rận, ghẻ, côn trùng cắn, viêm da cơ địa thì vi khuẩn tụ cầu vàng, khuẩn liên cầu hoặc phối hợp cả hai sẽ tấn công và gây ra bệnh chốc

1.2 Triệu chứng

Chốc hay gặp ở vùng da hở như mặt, tay, cổ, chi dưới; đặc biệt chốc ở đầu thường kèm theo chấy. Bệnh xuất hiện với một hoặc nhiều thương tổn. Người bệnh có thể bị mệt mỏi, thường không sốt, đôi khi hạch viêm do phản ứng, đồng thời có triệu chứng ngứa nhẹ ở vùng da bị chốc

Ban đầu từ một vùng da đỏ, kích thước có đường kính từ 0,5 – 1cm. Sau đó bọng nước nhanh chóng phát triển, nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ viêm, hóa mủ nhanh sau vài giờ thành bọng mủ. Bọng nước này nhanh chóng dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng hoặc nâu nhạt giống màu mật ong. Nếu cạy vảy sẽ thấy ở dưới là vết trợt nông màu đỏ, bề mặt ẩm ướt. Các bọng nước thường lành sau 1 – 2 tuần, nhưng bệnh có thể dai dẳng do tự lây truyền, vệ sinh kém

Tuy là một bệnh thường gặp nhưng nếu không điều trị đúng cách, bọng nước sẽ lan rộng, vết loét có thể rộng trên 2 – 3cm. Tổn thương lâu lành và để lại sẹo xấu. Đặc biệt, biến chứng của chốc có thể khiến người bệnh bị viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng, viêm cơ và viêm cầu thận cấp. Thời gian trung bình từ lúc có bệnh chốc đến khi có biến chứng khoảng từ 2 – 3 tuần

Bệnh chốc thường gặp ở trẻ nhỏ

1.3 Điều trị

Thông thường bệnh chốc được khuyến cáo chữa trị kết hợp theo các bước như sau:

  • Rửa thương tổn, nhẹ nhàng loại bỏ vảy tiết
  • Dùng các thuốc sát trùng povidone iodine, hydrogen peroxide, chlorhexidine) hoặc mỡ kháng sinh bôi tại chỗ (acid fusidic, mupirocin).
  • Che phủ vùng da bị thương tổn

Trường hợp chốc lan rộng có thể sử dụng kháng sinh toàn thân từ 5-7 ngày như Cephalexin, Docloxacin, Clindamycin, Amoxicillin…)

II. Nhọt (Furuncle)

2.1 Khái niệm và nguyên nhân

Theo các chuyên gia y tế, nhọt là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh. Bệnh thường gặp về mùa hè, xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ và tập trung ở trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aereus). Đây là loại vi khuẩn sống ký sinh trên da, nhất là ở các nang lông ở các nếp gấp như rãnh mũi, má, rãnh liên mông….hoặc các hốc tự nhiên như lỗ mũi. Khi nang lông bị tổn thương, vi khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh

2.2 Triệu chứng

Ban đầu là sẩn nhỏ, màu đỏ, sưng nề, chắc, tấy đỏ ở nang lông. Sau 2 – 3 ngày, tổn thương lan rộng hóa mủ tạo thành ổ áp xe, ở giữa hình thành ngòi mủ. Vị trí thường gặp là ở đầu, mặt, cổ, lưng, mông và chân, tay. Người bệnh sẽ bị triệu chứng đau nhức, nhất là khi nhọt nằm ở ở mũi hay vành tai. Kèm theo đó là hiện tượng toàn thân như sốt, mệt mỏi, hội chứng nhiễm trùng

Ngoài ra, nhọt ở vùng môi trên, ở má có thể dẫn đến viêm tĩnh mạch xoang hang và nhiễm khuẩn huyết

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng. Ở giai đoạn sớm cần chẩn đoán phân biệt với viêm nang lông, herpes da lan tỏa, trứng cá và viêm tuyến mồ hôi mủ

Nhọt thường xuất hiện ở trẻ em

2.3 Điều trị 

Quy tắc chung để điều trị nhọt hiệu quả là phải luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân thật kỹ đồng thời tập thói quen sinh hoạt lành mạnh. Đặc biệt là thường xuyên tập thể dục để nâng cao thể trạng

Ở giai đoạn sớm, chưa có mủ, người bệnh không nên nặn, kích thích vào thương tổn; đồng thời bôi dung dịch sát khuẩn ngày 2- 4 lần

Nếu bệnh nhân đã xuất hiện mủ bên trong nhọt cần phẫu thuật rạch rộng làm sạch thương tổn. Đồng thời sử dụng dung dịch sát khuẩn, kết hợp với thuốc kháng sinh điều trị từ 7 – 10 ngày

  • Dung dịch sát khuẩn: dùng một trong các loại Povidon-iodin 10%, Hexamidin 0,1%; Chlorhexidin 4%
  • Thuốc kháng sinh tại chỗ: có thể dùng kem hoặc mỡ axit fucidic 2%; Mỡ mupirocin 2%; Mỡ neomycin; kem silver sulfadiazin
  • Thuốc kháng sinh toàn thân: dùng một trong các kháng sinh nhóm betalactam, macrolid và để ý liều lượng sử dụng tùy đối tượng là trẻ em hay người lớn

III. Viêm nang lông (folliculitis)

3.1. Khái niệm và nguyên nhân

Viêm nang lông (folliculitis) là tình trạng viêm nông hoặc nhiều nang lông. Bệnh gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhất là thanh thiếu niên và người trẻ

Nguyên nhân chủ yếu là do tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh (pseudomonas aeruginosa). Ngoài ra, một vài trường hợp còn do nấm Trichophyton rubrum, Malassezia follicultis hoặc vi rút Herpes simplex thường gây viêm nang lông vùng quanh miệng

Bên cạnh đó, viêm nang lông còn do bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ hoặc nhiều thói quen không tốt cho da như gãi, cào, dùng mỹ phẩm gây kích ứng hoặc thuốc bôi corticoid lâu ngày

3.2 Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm nang lông bao gồm:

  • Các cụm mụn nhỏ mụn đỏ hoặc mụn đầu trắng phát triển xung quanh nang lông
  • Mụn nước đầy mủ vỡ ra
  • Ngứa, rát da
  • Đau nhức
  • Một vết sưng lớn hoặc khối

Nếu ở giai đoạn nhẹ, người bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày với các biện pháp tự chăm sóc cơ bản. Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng bệnh lan rộng hoặc các dấu hiệu và triệu chứng không biến mất sau một vài ngày

Còn tùy mức độ tiến triển mà có cách điều trị thích hợp cho bệnh viêm nang lông

3.3 Điều trị

Phương pháp điều trị viêm nang lông phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh, biện pháp tự chăm sóc mà người bệnh đã sử dụng và nguyện vọng của người bệnh. Các lựa chọn bao gồm thuốc và các biện pháp can thiệp như tẩy lông bằng laser. Ngay cả khi điều trị khỏi thì nhiễm trùng vẫn có thể trở lại.

3.3.1 Thuốc

  • Kem hoặc thuốc để kiểm soát nhiễm trùng. Đối với nhiễm trùng nhẹ, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh dạng kem bôi hoặc gel. Kháng sinh đường uống không được sử dụng thường xuyên cho viêm nang lông. Nhưng đối với nhiễm trùng nặng hoặc tái phát, bác sĩ có thể kê đơn cho trường hợp này.
  • Kem, dầu gội hoặc thuốc để chống nhiễm nấm. Thuốc chống nấm là dành cho nhiễm trùng do nấm men chứ không phải vi khuẩn. Thuốc kháng sinh không hữu ích trong việc điều trị loại này.
  • Kem hoặc thuốc để giảm viêm. Nếu bị viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan nhẹ, bác sĩ có thể kê thêm kem steroid để giảm ngứa. Nếu người bệnh có nhiễm HIV/AIDS, có thể thấy sự cải thiện các triệu chứng viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan sau khi điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.

3.3.2 Các can thiệp khác

  • Tiểu phẫu. Nếu có nhọt hoặc nhọt độc lớn, bác sĩ có thể rạch một đường nhỏ để dẫn lưu mủ giúp làm giảm đau, tăng tốc độ phục hồi và giảm sẹo. Sau đó có thể che phủ bằng gạc vô trùng trong trường hợp mủ tiếp tục chảy ra.
  • Triệt lông bằng laser. Nếu các phương pháp điều trị khác thất bại, triệt lông lâu dài bằng liệu pháp laser có thể làm sạch nhiễm trùng. Phương pháp này đắt tiền và thường cần một vài lần điều trị. Nó loại bỏ vĩnh viễn nang lông, do đó làm giảm mật độ của tóc trong khu vực được điều trị. Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm da bị đổi màu, sẹo và phồng rộp.

IV. Một số bệnh da liễu do nhiễm khuẩn khác

4.1 Hội chứng bong vẩy da do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) 

Hội chứng bong vẩy da do khuẩn tụ cầu vàng nhóm 2 gây ra. Bệnh bắt đầu từ 1 nhiễm trùng ở quanh hốc tự nhiên như mắt, mũi, miệng, và các nếp kẽ bẹn, nách xuất hiện các thơng tổn đỏ da, mụn nớc, mụn mủ dập vỡ nhanh đóng vẩy tiết.

Ngoài ra, bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, sốt. Sau 24-48h, da đỏ nhanh chóng lan rộng ra toàn thân, phù nề, đau. Trên bề mặt da xuất hiện các bọng nớc mềm, rất nông, không rõ ranh giới, dễ trợt, đôi khi các bọng nớc này liên kêt với nhau thành mảng rộng, sau đó trợt ra, bong vẩy mỏng nh giấy cuốn thuốc lá, để lại nền da đỏ ẩm. Dấu hiệu Nilcoskie dơng tính. Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải. Nếu đợc chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh tiến triển trong vòng 5-7 ngày, các thương tổn khô lại, bong vẩy da và khỏi. Bệnh nhân cần được chăm sóc tại bệnh viện bằng cách dùng kháng sinh toàn thân hoặc thuốc bôi đặc trị

4.2 Trứng cá (acne)

Trứng cá (acne) là bệnh da thông thường và phổ biến, nhất là ở tuổi thanh thiếu niên trong giai đoạn dậy thì. Bệnh biểu hiện bằng nhiều loại tổn thương khác nhau như mụn cám, viêm, mụn mủ, mụn bọc, nang…khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã như mặt, lưng, ngực

Trứng cá không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng. Tuy nhiên do tồn tại dai dẳng nên bệnh ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh được hình thành dưới tác động của 3 yếu tố chính: tăng sản xuất bã, sừng hóa cổ nang lông và vai trò của vi khuẩn Propionibacterium acnes

Có thể điều trị trứng cá bằng cách bôi các loại thuốc có chứa một trong những thành phần như REtinol, Benzoyl pereoxid, Acid azelaic. Trong trường hợp quá nặng có thể dùng kèm thuốc kháng sinh toàn thân (Doxycylin, Tetracylin, macrolide…) nhưng phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ

Mụn trứng cá gây mất tự tin ở tuổi dậy thì

4.3 Bệnh lao da 

Lao da là bệnh nhiễm khuẩn da mạn tính, do trực khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis gây nên. Bệnh thường gặp ở những nước kém phát triển đặc biệt là ở những người suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch

Đây là nhóm bệnh da hiếm gặp, trực khuẩn lao có thể tấn công từ da đến cơ quan nội tạng hoặc từ bên ngoài. Biểu hiện bệnh là vết loét không đau, kích thước khoảng 0,5cm ở tại nơi vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể,sau đó lan rộng, đáy vết loét thâm nhiễm và trở nên cứng. Trường hợp vi khuẩn thâm nhập sâu có thể gây áp xe. Ở niêm mạc thường là các vết trợt, màu hồng, phù nề

Trong phác đồ điều trị, việc chữa bệnh lao da cần phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau (đa hóa trị liệu). Thời gian điều trị kháng sinh các loại thường là 6 tháng, riêng người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, thời gian lên đến 9 tháng

Đối với các trường hợp loét hoại tử thì làm sạch tổn thương đóng vai trò quang trong, làm hết thương hàn gắn nhanh

Bệnh lao da hiếm gặp nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe

4.4 Bệnh phong (Leprosy)

Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng kinh diển do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh có thể gây các tàn tật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chính những tàn tật này làm cho người bệnh bị xa lánh, kỳ thị. Các vi khuẩn gây ra bệnh phát triển rất chậm. Do đó, bệnh có thời kỳ ủ bệnh (thời gian giữa nhiễm trùng và xuất hiện triệu chứng đầu tiên) lên đến 5 năm. Các triệu chứng có thể không xuất hiện trong khoảng 20 năm.

Các triệu chứng chính của bệnh phong bao gồm:

  • Yếu cơ;
  • Tê tay, chân;
  • Tổn thương da.

Được biết, trên thế giới đã phát triển một liệu pháp đa liều vào năm 1995 để chữa trị tất cả các loại bệnh phong. Liệu pháp này được áp dụng và hoàn toàn miễn phí trên toàn thế giới. Thêm vào đó, một số kháng sinh cũng có thể dùng để điều trị bệnh phong bằng cách giết loại vi khuẩn gây ra bệnh này. Những kháng sinh này bao gồm: Dapsone; Rifampin; Clofazamine; Minocycline; Ofloxacin. Bác sĩ có thể kê đơn nhiều hơn một kháng sinh cho bạn uống cùng một lúc

Một số bệnh da liễu không có biện pháp phòng tránh, chẳng hạn như do di truyền hoặc do bạn đang mắc căn bệnh khác. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát mức độ nặng của bệnh. Hy vọng với một số tổng hợp của iCare Pharma về nhóm bệnh da liễu do nhiễm khuấn sẽ giúp bạn hiểu rõ về tình trạng của mình

Nguồn: Tài liệu nghiên cứu từ Bộ Y Tế

 

 

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *