Da đầu khô và triệu chứng bị gàu có sự giống nhau nhất định về biểu hiện bên ngoài như đều tạo ra những mảng bong tróc và khiến da đầu vô cùng ngứa ngáy. Tuy nhiên, có khá nhiều người bị nhầm lẫn giữa hai tình trạng này khiến việc điều trị không đạt được hiệu quả như mong muốn. Bài viết bên dưới sẽ phân biệt da đầu khô và nhiều gàu với góc nhìn tổng hợp đầy đủ mà bạn nên biết
Da đầu khô và có gàu tuy có vẻ giống nhưng rất khác về bản chất
I. Các biểu hiện của da đầu khô và nhiều gàu
Mặc dù da đầu khô và nhiều gàu đều là dấu hiệu của việc kích ứng nên khó phân biệt, nhưng vẫn có sự khác nhau nhất định giữa hai tình trạng này
1.1 Da đầu khô
Khi da đầu bị khô, các mảnh trắng sẽ không xuất hiện quá thường xuyên như khi bị gàu. Phần da đầu khi sờ ấn vào có thể có cảm giác đau, bong vảy và thậm chí là rụng tóc. Ngoài ra, khi da đầu khô thì bạn cũng sẽ nhận thấy các bộ phận khác của cơ thể như da chân, da tay cũng bị khô theo
Tình trạng khô da đầu thường xuất hiện khi bề mặt da đầu bị thiếu hụt nước dẫn đến việc hình thành những mảng vảy trắng rộng bám sát da đầu. Nhất là ở khu vực trước trán, da đầu có cảm giác như bị căng ra và ngứa ngáy rất muốn gãi và khó chịu
Tình trạng thiếu ẩm khiến da đầu bị khô nghiêm trọng
1.2 Tóc bị gàu
Gàu là những mảng trắng li ti bám sát da đầu hay tóc, cũng gây ra ngứa ngáy khó chịu. G phân tán đều ở mọi nơi và có thể thấy nhiều nhất trên đỉnh đầu. Điều này có nghĩa là gàu có thể xuất hiện ở mọi loại da trong khi da đầu khô thường gặp ở những da đầu thiếu ẩm
Do ngứa ngáy rất khó chịu nên nếu người bị gàu dùng tay gãi nhiều sẽ làm rụng tóc. Gàu không chỉ có trên da đầu vào mùa lạnh mà có thể xuất hiện quanh năm với bất kỳ một người nào, không kể độ tuổi giới tính. Tuy nhiên, rất may gàu không lây nhiễm từ người này sang người khác
Người bị gàu thường xuyên ngứa ngáy khó chịu
II. Phân biệt nguyên nhân khiến da đầu khô và nhiều gàu
Nhiều người cho rằng, việc da đầu bị khô hay gàu đa phần là do các tác động từ môi trường khách quan bên ngoài. Thế nhưng trên thực tế một số nguyên nhân lại xuất phát từ các vấn đề nội tại bên trong cơ thể chúng ta
2.1 Nguyên nhân khiến da đầu khô
Tương tự như da mặt, da đầu cũng được cấu tạo với những tuyến bã nhờn và có thể chia ra thành nhiều loại từ da khô đến dầu. Nhiều nghiên Nguyên nhân gây ra tình trạng da đầu khô bao gồm:
- Độ ẩm trên da thấp, nhất là khi tiếp xúc với không khí lạnh, khô, môi trường lưu thông và điều hòa không khí kém đều sẽ dẫn đến da đầu khô
- Sử dụng nước cứng và các loại dầu gội nhiều hóa chất gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc mà da đầu bị khô là một phản ứng của cơ thể trước các sản phẩm chăm sóc tóc
- Thói quen sinh hoạt cá nhân khiến cơ thể bị mất nước, ăn uống không đúng cách, thiếu dinh dưỡng khiến tóc yếu và da đầu bị khô
- Lo lắng và căng thẳng làm rối loạn hóc-môn trong cơ thể, nội tiết tố thay đổi và ảnh hưởng đến da đầu
Lo lắng và căng thẳng cũng khiến da đầu bị khô
2.2 Nguyên nhân gây ra gàu trên tóc
Gàu là hiện tượng xảy ra do chứng viêm da tiết bã quá nhiều (ở những người có cơ địa da nhờn) và do ảnh hưởng từ loại nấm men kí sinh trên da đầu có tên Malassezia. Ngoài ra, việc xuất hiện gàu trên tóc còn phát sinh từ nhiều nguyên nhân sau:
- Da đầu quá nhiều dầu
- Do viêm da tiết bã ở những vùng có nhiều tuyến dầu
- Không vệ sinh tóc kỹ khiến phần da đầu và tế bào da chết tích tụ trên da đầu và bong ra, rơi thành từng mảnh vảy trắng (gàu)
- Thay đổi hoặc sử dụng một sản phẩm chăm sóc tóc mới gây ra kích ứng
III. Chăm sóc tóc như thế nào để tránh tình trạng da đầu khô hay có gàu?
Có thể thấy, người bị da đầu khô khi quá thiếu độ ẩm, trong khi đó gàu xuất hiện trong tình trạng da đầu đổ dầu. Với 2 hình thái bệnh tương tự nên chúng ta dễ nhầm lẫn giữa các triệu chứng, từ đó nếu không chú ý đến cách chăm sóc tóc riêng biệt, da đầu sẽ ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn
3.1 Cách chăm sóc da đầu khô hiệu quả
Để khắc phục và điều trị tình trạng da đầu khô, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau đây:
– Chế độ sinh hoạt
Chế độ ăn uống lành mạnh cùng với sự chăm sóc hợp lý sẽ giúp bạn thổi bay cảm giác khô ngứa một cách nhanh chóng, hiệu quả. Cần chú ý đến việc ngủ nghỉ điều độ, giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ.
– Dinh dưỡng
Bạn nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin B6, B12, kẽm và selen vào chế độ ăn uống thông qua việc ăn bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
– Sản phẩm hỗ trợ
Mát xa da đầu nhẹ nhàng với dầu dừa giúp cải thiện tình trạng da đầu khô rõ rệt. Ngoài ra, để bổ sung độ ẩm, có thể dùng nha đam, vitamin E và các thành phần tự nhiên vì đây là những thành hần tốt nhất để tiếp ẩm
Thường xuyên mát-xa sẽ giúp da đầu thêm khỏe
– Chỉ nên gội đầu 2-3 lần/ tuần
Da đầu chứa hàng tỷ vi khuẩn tốt với hàng trăm loại khác nhau. Chúng giúp cân bằng pH và hoạt động để chống lại các vi khuẩn xấu ảnh hưởng đến dưỡng chất trên da. Đồng thời, chúng còn tạo ra các phân tử đặc biệt để bảo vệ da đầu. Việc gội đầu quá nhiều bằng các chấy tẩy rửa hóa học có thể sẽ làm da khô trầm trọng hơn và gây rối loạn hệ vi sinh vật trên đầu
– Hóa chất đặc biệt
Sử dụng các sản phẩm không chứa sulfate hay silicon bởi hai chất này có chứa thành phần tạo bọt để tẩy nhờn hoặc chất béo, do đó chúng sẽ làm da đầu thêm khô, không được thông thoáng thoải mái
– Thải độc cho da đầu
Không chỉ có da mặt hay bên trong cơ thể mà da đầu – nơi vốn tiếp xúc với môi trường bên ngoài cũng rất cần được thải độc. Do đó, bạn nên uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể, hỗ trợ thải độc và làm giảm tình trạng khô da.
3.2 Mẹo trị gàu đơn giản tại nhà
Thường thì nhiều người sẽ lựa chọn các loại dầu gội đặc trị gàu có chứa Bicarbonate, Ketonazole, Zinc pyrithione – đây là những chất có khả năng kháng nấm rất hiệu quả. Ngoài ra, còn có một số mẹo trị gàu tại nhà từ các nguyên liệu thiên nhiên, tuy không nhanh tức thì nhưng lại an toàn và bền vững hơn hẳn
– Nước chè xanh
Nước chè xanh là một chất khử trùng mạnh mẽ, có thể loại bỏ vi khuẩn gây gàu mà lại rất lành tính và dễ kiếm. Bạn có thể rửa sạch và đem nấu lá trà, để nguội rồi dùng để gội đầu. Sau nhiều tuần sử dụng sẽ thấy hiệu quả rõ rệt
Chè xanh chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn hữu ích
– Trị gàu bằng baking soda
Chà bột baking soda khắp da đầu sau đó gội sạch lại bằng nước (không dùng dầu gội đầu) sẽ làm nóng da đầu và loại bỏ được lượng dầu, bã nhờn dư thừa, lượng da chết trên da. Hơn nữa, bột baking soda cũng có tính chất kháng khuẩn sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng da dầu.
– Trị gàu bằng giấm táo
Giấm táo có tính axit sẽ tiêu diệt và ngăn không cho vi khuẩn gây gàu phát triển. Bạn trộn giấm táo với nước, xịt lên tóc và da đầu. Xoa bóp nhẹ cho ngấm vào da đầu và để trong 30 phút. Sau đó gội lại bằng nước sạch.
– Trị gàu bằng dầu dừa
Bạn chỉ cần mát xa da đầu với dầu dừa rồi ủ trong 30 phút đến 1 tiếng. Dầu dừa sẽ làm dịu và giảm đi sự viêm, đỏ da do gàu gây ra, đồng thời giúp cân bằng độ pH trên da đầu
Mát xa với dầu dừa giảm gàu hiệu quả
Hy vọng với các thông tin trên, bạn sẽ không còn nhẫm lẫn cũng như nắm rõ được cách phân biệt da đầu khô và nhiều gàu. Bên cạnh đó, nếu áp dụng các cách chăm sóc tóc như đã đề cập nhưng vảy da đầu vẫn tiếp tục rụng quá nhiều thì rất có thể vấn đề khác tiềm ẩn đang xảy ra với bạn. Một vài trong số đó có thể kể đến là eczema, bệnh vẩy nến hoặc viêm da đầu. Lúc này, việc đến chuyên khoa da liễu để thăm khám là điều rất cần thiết tránh để tình trạng ngứa ngáy kéo dài và khó điều trị
iCare Pharma tổng hợp
Mình đang bị như vậy muôn chữa khỏi