Viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm do tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân, làm da bị đỏ, ngứa, khó chịu, có thể phát ban hoặc phòng giộp.

Nguyên nhân

Viêm da tiếp xúc có liên hệ trực tiếp với những chất gây kích ứng, dị ứng, hóa chất, mỹ phẩm, dịch tiết côn trùng,… Có thể gồm:

– Xà phòng, dầu gội, nước rửa bát, thuốc tảy gia dụng

– Mỹ phẩm, kem dưỡng da, nước hoa, sữa rửa mặt

– Hóa chất bảo quản thực phẩm, acid, kiềm

– Dung môi công nghiệp, xăng, dầu, thuốc nhuộm

– Thuốc kháng sinh, dung dịch sát khuẩn

– Dịch tiết côn trùng, như kiến ba khoang, nhện….

Biến chứng

Sau khi tiếp xúc với tác nhân, da bị đỏ, ngứa sẽ làm cơ thể gãi nhiều. Khi gãi nhiều thì làm tăng mức độ ngứa, có thể dẫn đến trầy xước da, loét da, viêm da sâu hơn, thậm chí viêm dây thần kinh.

Sau một thời gian da đóng vảy, trở nên dầy, đỏ hơn, khi khỏi có thể để lại sẹo hoặc thay đổi màu da.

Biểu hiện lâm sàng

Trong viêm da tiếp xúc, chỉ những vùng da tiếp xúc với tác nhân mới bị tổn thương. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm da tiếp xúc bao gồm:

– Đỏ da, phát ban, nổi da gà, phồng giộp

– Ngứa, trầy xước da, loét da

– Các điểm thoái lui khô, đóng vảy, màu đỏ.

– Trường hợp nặng có chảy dịch từ vùng da viêm, đau rát

Phân loại

Căn cứ vào tác nhân và cơ chế gây viêm da mà chia làm hai loại:

– Viêm da tiếp xúc kích ứng: Loại này khá phổ biến, do tiếp tác nhân gây tổn thương trực tiếp lên da, chẳng hạn như xà phòng, nước rửa bát, mỹ phẩm, acid, kiềm,… Loại này chỉ bị viêm tại vị trí tiếp xúc, sẽ khỏi khi không tiếp xúc và mức độ viêm phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với tác nhân nhiều hay ít. Sau giai đoạn viêm cấp, nếu không tiếp xúc với tác nhân, da khô, ngứa, rát, có thể lở loét, sau đó thoái lui, rồi khỏi. Nếu tiếp tục tiếp xúc với tác nhân, quá trình viêm kéo dài, gây viêm, ngứa, khó chịu, chảy dịch, loét, đau.

– Viêm da dị ứng tiếp xúc: Loại này do cơ chế dị ứng gây ra, sau khi tiếp xúc với tác nhân, hình thành một loạt các phản ứng dị ứng, gây viêm da, ngứa, mẩn đỏ, phát ban. Ngoài vị trí tiếp xúc, có thể biểu hiện toàn thân. Nhiều trường hợp nặng có thể khó thở, phù mặt, ngứa, phát ban toàn thân. Thể này nhiều khi mức độ viêm không tương xứng với mức độ tiếp xúc, có khi tiếp xúc rất ít nhưng có thể gây ra tình trạng viêm rất nặng.

Điều trị

Biện pháp điều trị cơ bản là tránh tiếp xúc với tác nhân gây viêm, nhưng quan trọng là phải xác định được tác nhân gây viêm, rồi mới nghĩ đến tránh.

Trường hợp nhẹ, hoặc trung bình, chỉ cần dùng các biện pháp đơn giản như rửa bằng nước muối sinh lý, nếu không có nước muối sinh lý có thể rửa bằng nước sạch, lau khô, rồi bôi kem có chứa corticoid như Ladorvan, Gentrisone

Trường hợp nặng, có ngứa nhiều thì phải dùng thuốc uống chống ngứa, chủ yếu là dùng thuốc kháng histamin, có thể dụng một trong các loại như Loratadin, Fexofenadin,….

Nếu có nổi mẩn đỏ nhiều, phù thì có thể phải kết hợp với thuốc corticoid đường uống hoặc đường tĩnh mạch.

Trường hợp bội nhiễm, chảy nhiều dịch, nhiều mủ, phải dùng thuốc kháng sinh đường uống hoặc đường tĩnh mạch.

Phòng bệnh

– Tránh tiếp xúc với tác nhân đã biết có thể gây viêm đối với cơ thể

– Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì tốt nhất phải có biệt pháp bảo vệ như dùng áo bảo hộ, găng tay, mặt nạ, kính, ủng,…

– Sau khi đã tiếp xúc với tác nhân, phải rửa ngay bằng nước sạch, thậm chí tắm gội ngay

– Khi bị ngứa do tiếp xúc cần hết sức hạn chế gãi, nếu khó chịu chỉ xoa nhẹ

– Có thể sử dụng các loại kem dưỡng da, giúp da mềm mại, chống lão hóa.

Ths.Bs Vũ Văn Lực